Quy tac tai chinh 50 20 30 tuandautu

Quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả với Quy tắc 50/20/30

Nếu bạn đang tìm kiếm một công thức để quản lý tài chính hiệu quả, giúp bạn vừa cân bằng giữa nhu cầu chi tiêu, khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai thì Quy tắc 50/30/20 rất phù hợp cho bạn. Hãy cùng Tuấn Đầu Tư khám phá quy tắc đặc biệt này ngay và luôn nhé!

Quy tắc 50/20/30 là gì?

Đầu tiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản quy tắc 50 – 20 – 30 là một bản kế hoạch quản lý tài chính giúp mỗi người đạt được mục tiêu tài chính cá nhân của mình. Quy tắc này đặc biệt dễ áp dụng với mọi người, đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc quản lý chi tiêu và phân bổ thu nhập.

Cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” (của Elizabeth Ann Warren và con gái Amelia Warren Tyagi) đã giới thiệu quy tắc thú vị này.

Nó được xem là một quy tắc đơn giản, dễ nhớ, dễ áp dụng. Nếu bạn biết đến “6 chiếc lọ” quản lý tài chính với 6 phần quỹ thì quy tắc tài chính 50 – 30 – 20 có vẻ sẽ đơn giản hơn, cụ thể: tổng thu nhập hàng tháng của cá nhân chúng ta sẽ chia thành 3 phần tương ứng với tỷ lệ 50%, 20%, 30%.

Quy tắc tài chính này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về mức thu nhập hiện tại của bản thân đồng thời chúng ta sẽ có những quyết định chi tiêu đúng đắn hơn. Có như vậy, cuộc đua thần tốc vào thế giới người giàu của chúng ta mới dần được rút ngắn.

Quy tắc 50/20/30 áp dụng thế nào?

Cách áp dụng Quy tắc 50/20/30 rất đơn giản, hãy chia thu nhập hàng tháng của bạn thành ba phần tương ứng 50% thu nhập, 20% thu nhập và 30% thu nhập. Các khoản riêng biệt này sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau: Nhu cầu thiết yếu, các khoản đầu tư & tiết kiệm, chi phí cá nhân. Cụ thể:

1. Nhu cầu thiết yếu – 50% thu nhập

Đúng như tên gọi, nhu cầu thiết yếu là những khoản cần thiết, bắt buộc ai cũng phải chi tiêu, có muốn cắt chúng thì không được, muốn giảm thì khó khăn. Nhóm này bao gồm tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt ăn uống hàng ngày, chi phí đi lại, hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, internet, tiền học cho con, bỉm sữa…

Điều quan trọng của phương pháp này là bạn không được phép chi tiêu quá 50% thu nhập của gia đình cho các khoản chi phí thiết yếu hàng tháng.

Chúng ta giàu lên không bởi vì số tiền chúng ta kiếm được mỗi tháng mà là nhờ số tiền chúng ta tiết kiệm và đầu tư sau khi chi tiêu

Có thể với người có thói quen tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng”, thường chi tiêu ít hơn một nửa thu nhập cho nhu cầu thiết yếu thì con số 50% là hợp lý, thậm chí là dư thừa nên họ không gặp khó khăn trong việc áp dụng quy tắc này, thậm chí họ còn được hưởng lợi vì dư nhiều tiền để dành cho những quỹ còn lại.

Quy tắc này đặc biệt dễ áp dụng với những ai có tư duy tài chính từ sớm và không bị sa đà vào mua sắm, ăn chơi. Thực hiện theo nguyên tắc này trong thời gian dài sẽ giúp bạn có sức khỏe tài chính tốt.

Nhưng ngược lại, so với người có thói quen chi tiêu thoải mái, thường xuyên “vung tay quá trán” thì lại nói ½ thu nhập chi phí cho nhu cầu cần thiết cuộc sống thường ngày là không đủ và rất khó xoay sở vì có quá nhiều thứ phải chi, phải mua và phải thanh toán…

Bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu gia đình ở mức tối thiểu để có thể quản lý tài chính tốt, nếu 50% ở thời điểm hiện tại quá khó, hãy thử với 60%, sau đó giảm xuống 55%… Nhưng 50% là tỷ lệ hoàn hảo nhất.

Quy tắc 50/20/30 là mô hình tuyệt vời để bạn bắt đầu quản lý tài chính ngay hôm nay
Quy tắc 50/20/30 là mô hình tuyệt vời để bạn bắt đầu quản lý tài chính ngay hôm nay

Thu nhập trong tương lai của bạn có thể tăng, và nếu bạn biết cách chi tiêu thì bạn sẽ sớm có nhiều tiền trong các tài khoản đầu tư và trở nên giàu có.

Một gia đình thường xuyên chi tiêu >60% thu nhập sẽ không có sức khỏe về tài chính tốt, rất khó để thực hiện những kế hoạch tài chính lớn trong tương lai.

>> Xem về 5 Điều cần lưu tâm trước khi mua nhà trả góp, kinh nghiệm dành cho mọi cặp vợ chồng trẻ Việt

Việc cần làm ngay bây giờ: Hãy ngồi liệt ra các chi phí hàng tháng và đối chiếu nó với con số 50% thu nhập.

Bạn phải cắt bỏ những khoản chi phí “không thực sự cần thiết” nếu muốn có sức khỏe về mặt tài chính.

Vậy nên, sẽ không bao giờ là đủ với những người tiêu hoang, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết tiết chế, cắt giảm những thứ không thực sự cần thiết, mua đúng mua đủ cho phù hợp với con số chi tiêu.

Giả sử tháng đó chiếc tủ lạnh trong nhà bị hỏng, chúng ta sắm một chiếc mới khá tốn kém thì hãy tìm cách giảm chi phí xuống. Có thể đi bus thay vì phương tiện cá nhân, nấu cơm ở nhà thay vì tới nhà hàng, mua đồ ở tạp hóa thay vì vào trung tâm thương mại,…

Có rất nhiều cách cân bằng chi tiêu, vì vậy hãy đảm bảo chi tiêu trong 50% thu nhập cho nhóm này là hợp lý nhất. Còn trường hợp bạn đang có mức chi tiêu tiết kiệm hơn thì hãy nhớ rằng bạn có thể nới lỏng chi tiêu thêm 1 chút để cuộc sống thoải mái và dễ chịu hơn (nếu muốn).

Còn nếu không muốn chi tiêu nhiều hơn, hãy chuyển tiền sang Quỹ 20% tiếp theo.

 

2. Các khoản đầu tư và tiết kiệm – 20% thu nhập

Nhóm này có thể là quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí hay các khoản đầu tư sinh lời như chứng khoán, cổ phiếu cho thời gian dài hạn.

Chúng ta cũng có thể sử dụng quỹ này để giải quyết nợ nần, chi trả nợ tín dụng hay ngân hàng để đảm bảo rằng phải trả hết nợ ở hiện tại. Như vậy, hàng tháng chúng ta sẽ trích ra 1/5 thu nhập

Ngoài ra, các khoản tiền mà chúng ta còn dư được ở phần nhu cầu thiết yếu nếu không tiêu hết cũng nên được đưa hết vào phần tiết kiệm, đầu tư này.

Càng gia tăng số tiền trong Quỹ tiết kiệm và đầu tư thì bạn càng có nhiều tài chính cho tương lai. Đa số những người giàu có mà Tuấn Đầu Tư biết thì họ đều bắt đầu với việc tiết kiệm nhiều nhất có thể và tìm cách biến số tiền đó được tăng trưởng thay vì mua sắm cá nhân.

Vì vậy, hãy từ bỏ ngay lối nghĩ “ăn chơi đã – tiết kiệm sau”, đồng ý là chúng ta có ăn chơi, có giải trí nhưng hãy đảm bảo trong con số cho phép.

Nếu 20 tuổi bạn đã có ý thức sống có mục đích và tiết kiệm thì chẳng mấy chốc số tiền quỹ sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không chỉ đơn giản là cấp số cộng. Khi đó mục tiêu tự do tài chính ở tuổi 40 hay 45 là có thể đạt được nếu có phương pháp đúng.

Không dừng lại ở đó, phần còn lại tiết kiệm nên được sử dụng cho mục đích sinh lời và dự phòng rủi ro sau này. Đơn giản sự giàu có không đến từ tiết kiệm mà đến từ sự sinh sôi nảy nở của đồng tiền, mục đích của tiết kiệm là để đầu tư, thể hiện sự nhạy bén của chủ sở hữu.

Một vài cách bật mí giúp mọi người dấn thân vào đầu tư sinh lời:

  • Đầu tư tài chính: cổ phiếu, trái phiếu, bitcoin,…
  • Mua bảo hiểm nhân thọ
  • Gửi tiết kiệm ngân hàng
  • Đầu tư bất động sản
  • Góp vốn startup doanh nghiệp hoặc tổ chức có tiềm năng

Tóm lại đây là một danh mục vô cùng tiềm năng, đảm bảo một cuộc sống sung túc ấm no sau này. Vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, các bạn trẻ nên có ý thức bắt đầu thực hiện sớm và biến nó thành thói quen hàng ngày càng sớm càng tốt.

>> Đọc thêm: 6 khác biệt cơ bản giữa Thu nhập chủ động và Thu nhập thụ động để hiểu tầm quan trọng của kênh thu nhập từ đầu tư

Kiểm soát được Chi tiêu. Lên kế hoạch cho các chi phí khác và Đầu tư sẽ tốt cho tài chính của bạn!
Kiểm soát được Chi tiêu. Lên kế hoạch cho các chi phí khác và Đầu tư sẽ tốt cho tài chính của bạn!

3. Chi phí cá nhân – 30% thu nhập

Cuộc sống hiện đại mà chúng ta luôn hướng tới đó là cuộc sống hưởng thụ, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân như đi spa, shopping, giải trí, du lịch, ăn nhậu cùng bạn bè,…

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chi tiền cho các khóa học trau dồi kỹ năng, các khóa học kiến thức ngắn hạn để phát triển bản thân. Bởi lẽ đầu tư cho giáo dục không bao giờ thua lỗ, nó còn là bước đệm để phát triển kinh tế cá nhân.

Hãy cứ tưởng tượng xem cuộc sống sẽ thế nào nếu chúng ta không có các hoạt động này. Mặc dù, chính mục này ảnh hưởng nhiều đến tài chính chúng ta nhưng thực sự chúng ta rất cần chúng.

Tuy nhiên, làm gì thì làm, giới hạn cho phần này sẽ chỉ tối đa là 30%. Tiêu ít hơn càng tốt, hãy chuyển số dư đó sang Quỹ Tiết Kiệm & Đầu Tư nhé.

Đôi khi chúng ta chi tiền cho một món đồ xa xỉ nhưng lại không thực sự cần thiết, đơn giản mua một cái áo quá mắc nhưng chỉ để mặc chụp ảnh 1 lần.

Hay thích một chiếc iphone mới ra mắt mà không biết rằng “mình chưa sẵn sàng về năng lực tài chính để mua”, càng trả góp nhiều bạn càng xa rời mục tiêu giàu có thực sự.

Thực tế là mọi người thường hay hưởng thụ nhiều hơn mức cho phép (là 30%). Hãy thay đổi ngay hôm nay!

Nếu bạn đang có mức chi tiêu các nhân vượt mức này thì hãy bình tĩnh suy xét lại những thứ mình chi tiêu có thực sự cần thiết hay không? Nếu đang quá lãng phí thì hãy giảm xuống và thay thế bằng các món đồ có giá cả hợp lý hơn.

Mẹo nhỏ: Hãy trì hoãn quyết định mua hàng của bạn sau 48h, đó là khoảng thời gian cần thiết để bạn suy ngẫm rằng “thực sự bạn có nên mua món đồ đó?”

Ngược lại, nếu bạn là người tiết kiệm, phân vân chi tiêu cho khoản này thì hãy bỏ ra một khoản hợp lý để tận hưởng cuộc sống nhé. Bởi lẽ chuyên mục này không chỉ giúp ta thoải mái, có động lực phấn đấu trong công việc mà còn giúp ta tạo được các mối quan hệ tốt phục vụ cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.

So sánh quy tắc 50/20/30 với quy tắc “6 chiếc lọ” tài chính:

Tiêu chí Quy tắc 50/20 30 Quy tắc “6 chiếc lọ” 
Phân chia 3 nhóm

Bao gồm:

Nhu cầu thiết yếu (50%)

Các khoản đầu tư & tiết kiệm (20%)

Chi tiêu cá nhân (30%)

6 nhóm

Bao gồm:

Quỹ chi tiêu cần thiết (55%)

Quỹ tự do tài chính (10%)

Quỹ giáo dục (10%)

Tiết kiệm dài hạn (10%)

Quỹ hưởng thụ (10%)

Quỹ từ thiện (5%)

Đối tượng Áp dụng cho người có thu nhập tốt, ổn định từ 20 – 40 triệu trở lên Phù hợp với tất cả mọi người, áp dụng cho cả người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp

Lời kết:

Quy tắc 50/20/30 đã trở thành quy tắc hữu hiệu đồng hành cùng rất nhiều người thành công. Vậy nên hãy bắt tay vào việc quản lý chi tiêu ngay lập tức để nhanh chóng gia nhập thế giới những người biết tiêu tiền và tiết kiệm tiền.

Đẳng cấp sử dụng tiền đúng cách sẽ thể hiện ở 5 cấp độ:

  1. Kiếm tiền
  2. Tiêu tiền & Tiết kiệm tiền
  3. Bảo vệ tiền
  4. Đầu tư tiền
  5. Quản trị tiền

Để quản lý chi tiêu thành công thì đừng quên những lưu ý “vàng” dưới đây:

Đầu tiên, tính kỷ luật luôn được đề cao với bất kỳ phương pháp nào bạn áp dụng. Hãy luôn đảm bảo đúng tỷ lệ của quy tắc đề ra, nói “không” khi tiêu quá tay phải đụng tới khoản tiết kiệm.

Hãy nhớ rằng khi thu nhập có tăng thì quy tắc 50/20/30 không khuyến khích bạn tăng chi tiêu nhu cầu thiết yếu và chi tiêu cá nhân. Bạn càng giảm được nhu cầu chi tiêu đi bao nhiêu, bạn sẽ có thêm nhiều tiền để đầu tư bấy nhiêu, và thời gian bạn chạm tới giàu có sẽ gần hơn.

Có những người thành công mà Tuấn Đầu Tư biết, họ chỉ sử dụng 20% thu nhập mỗi tháng cho nhu cầu chi tiêu, phần còn lại dùng để đưa vào các kênh đầu tư.

Lấy ví dụ để bạn dễ hiểu:

Bạn có nhu cầu chi tiêu 30.000.000đ/ tháng:

  • Áp dụng quy tắc 50%, bạn cần có thu nhập 60 triệu/ tháng để được tiêu số tiền 30 triệu/ tháng
  • Nhưng nếu thu nhập của bạn là 100 triệu/ tháng, bạn chỉ cần dành ra 30% thu nhập để chi tiêu. Như vậy bạn sẽ có công thức mới: 30% chi tiêu – 40% đầu tư – 30% Chi phí cá nhân.

Càng có nhiều tiền trong Quỹ đầu tư, bạn càng nhanh chóng tiến tới Độc lập tài chính và Tự do tài chính!

Hi vọng sau bài viết này, Tuấn Đầu Tư đã chia sẻ cho các bạn quy tắc tài chính 50/20/30 bổ ích. Hãy áp dụng ngay và đừng quên chia sẻ phương pháp này cho người thân, bạn bè của bạn nhé!

Chúc bạn thành công với Quy tắc 50/20/30!

Bản quyền thuộc về Tuấn Đầu Tư – tuandautu.com

Vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép nội dung này.

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Chia sẻ ngay

About The Author

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top