Chủ đề ngày hôm nay Tuấn Đầu Tư sẽ chia sẻ với bạn đọc về Độc Lập Tài Chính. Đây có lẽ là một khái niệm không hoàn toàn mới mẻ với nhiều người Việt nhưng rất ít người có thể làm được bởi những định nghĩa và tư duy chưa đúng đắn về việc “Thế nào mới là độc lập tài chính?”
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những khái niệm cơ bản và cần thiết nhất về Độc lập tài chính là gì để bạn bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch của bản thân, đồng thời cũng hướng dẫn bạn cách tính Chỉ số độc lập tài chính (ở phần cuối).
Nghe nội dung trên Podcast:
Xem nội dung trên Youtube:
Trước khi vào chủ đề chính, tôi muốn đặt hai câu hỏi cho bạn:
- Câu hỏi thứ nhất: Bạn đã bao giờ nghiên cứu sâu về chủ đề Độc lập tài chính – Tự do tài chính hay chưa? Nào dừng lại vài giây và ngẫm 1 chút nhé……
- Câu hỏi thứ hai: Bạn có hiểu thế nào là độc lập tài chính thực sự, một cách rõ ràng, cụ thể, được thể hiện bằng các con số tài chính hay chưa?
Tại sao Tuấn lại hỏi câu hỏi này?
Vì cứ liên quan đến tài chính và tiền thì đều cần các con số chi tiết cụ thể, chứ không thể chung chung bởi “Nếu không có gì cụ thể thì đến cụ cũng không thể giúp gì được cho bạn”!
Nếu cả hai câu trả lời của bạn đều là KHÔNG thì khả năng đến 90% bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được đến với trạng thái độc lập tài chính cho đến khi cuối đời.
Tại sao rất khó để đạt được độc lập tài chính?
Chúng ta sẽ nói về ý nghĩa của từ “Độc lập”, có ai để ý rằng cụm từ này có liên quan tới Đất nước Việt Nam?
Đúng rồi. Đó chính là cụm từ xuất hiện bên dưới danh xưng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Nước ta, đầy đủ chính là 6 chữ thiêng liêng và đắt đỏ: ĐỘC LÂP – TỰ DO – HẠNH PHÚC!
Hai chữ ĐỘC LẬP là 2 chữ đắt đỏ nhất vì dân tộc ta đã dùng hơn 4.000 năm để dựng và giữ Nước, con dân VN đã phải dùng rất nhiều máu và nước mắt để dành được Độc lập cho Dân tộc.
Bác Hồ của chúng ta đã hiểu rõ rằng “Một Quốc gia không độc lập sẽ không có tự do, và một quốc gia không có tự do thì hàng triệu người dân sẽ không bao giờ hạnh phúc“…
Và tài chính cá nhân cũng vậy, nếu không thể độc lập tài chính sẽ không có tự do tài chính, và chính vì thế sẽ không thể đạt được trạng thái hạnh phúc tài chính.
Chúng ta sắp xếp thứ tự quan tâm như sau: Độc lập tài chính -> Tự do tài chính -> Hạnh phúc tài chính!
ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC đó là ba giai đoạn mà chúng ta phải từng bước đạt được để tiến đến tới trạng thái hạnh phúc tài chính.
Tại sao cần Độc lập tài chính?
Tài chính tốt sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn và ngược lại sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến bạn đau khổ, gieo sầu vào cuộc sống của bạn và những người xung quanh.
Yếu kém trong Tài chính làm cho người ta có 3 nỗi khổ: Khổ Thân – Khổ Tâm – Khổ Nhục.

Khổ Thân
Những người có thu nhập thấp thường có sức khỏe kém, họ không có tiền để mua thực phẩm sạch, nước uống sạch, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt.
Một số người còn không đủ tiền để chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo và cần phải sử dụng nhiều tiền mới có liệu pháp tốt, thuốc và thầy thuốc tốt.
Tất nhiên không phải cứ có tiền là có sức khỏe tốt nhưng về mặt thống kê những người có thu nhập cao thường có sức khỏe tốt hơn những người thu nhập thấp. Rất nhiều các cuộc nghiên cứu với số liệu khoa học cụ thể đã chứng minh cho nhận định này.
Khổ Tâm
Điều thứ hai, yếu kém trong tài chính khiến cho con người ta khổ tâm, khổ tâm nghĩa là cái khổ mang tính chất tinh thần.
Cụ thể của khổ tâm ở đây chính là rất nhiều các trường hợp cha mẹ ly dị nhau vì tiền, cũng chẳng hiếm những cảnh ngộ “gà” cùng 1 mẹ, anh chị em cùng 1 nhà đánh nhau vì tiền.
Ngoài xã hội có rất nhiều cảnh bạn bè, đồng nghiệp đâm sau lưng nhau cũng chỉ vì 1 chữ tiền. Cũng chính vì vậy mà Tiền còn được gọi là Tiền Tệ và 2 chữ này thường đi đôi với nhau.
Tất cả những biểu hiện đó đều đã có những con số chứng minh và tiền là một trong những yếu tố hàng đầu đóng góp vào stress nhiều nhất trong cuộc sống hiện nay!
Khổ Nhục
Điều thứ ba, tài chính yếu kém khiến cho con người ta khổ nhục, khổ nhục đó là khi trí tuệ của chúng ta không phát triển.
Khổ Nhục là khi bản thân chúng ta lực bất tòng tâm, không có đủ năng lực để tạo ra giá trị và của cải nhiều cho xã hội và chính vì vậy xã hội không trao lại cho chúng ta đủ số tiền mà chúng ta mong muốn, thậm chí rất nhiều người trong xã hội còn “ném lại” cho chúng ta những cái nhìn 1 mắt, nói xấu sau lưng kèm theo những cái bĩu môi khinh bỉ chỉ vì chúng ta nghèo.
Và tận cùng của khổ nhục là chính chúng ta cũng không tin vào chính mình, không nhận thấy và công nhận giá trị của chính mình. Nếu bạn không biết mình là ai và không nhận ra giá trị của chính mình thì đó là bi – ai thật sự.
Chính vì thế, tài chính không chỉ ảnh hưởng tới bên ngoài của chúng ta để đạt được Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Mà nó còn tác động trực tiếp đến bên trong của chúng ta, cụ thể là: Thân – Tâm – Tuệ, đó là lý do trong các bài giảng của Tuấn Đầu Tư, bạn sẽ thấy có nhiều nội dung mang triết lý của Đạo Phạt là vì vậy.
Đến đây chắc chắn bạn đã hiểu lý do Tại sao lại cần Độc Lập tài chính là bởi vì đó là cách duy nhất để giải quyết triệt để: KHỔ THÂN – KHỔ TÂM – KHỔ NHỤC mà ai cũng muốn loại bỏ!
Vậy Độc lập tài chính là gì?
Đây là một vấn đề lớn bởi nếu định nghĩa sai sẽ dẫn đến tư duy sai, từ đó sai trong hành động và chắc chắn kết quả đạt được cũng không giúp bạn gần hơn với Độc lập tài chính.
Định nghĩa trên Internet:
Định nghĩa khá chung chung nhưng lại phổ biến trên internet là:
“Độc lập tài chính nghĩa là có đủ tiền để không phải lúc nào lo lắng về tiền“.
Định nghĩa này vô cùng hời hợt và không định lượng được: Thế nào là “có đủ tiền”? Thế nào để “không phải lo lắng về tiền”?…
Có chăng thì định nghĩa này chỉ giúp bạn có thể đạt được “Tự túc tài chính” mà thôi, chứ “Độc lập tài chính” thì chưa thể.
Một kiểu định nghĩa khác:
“Độc lập tài chính là tự trang trải và hoàn thành các mục tiêu tài chính của mình“.
Đây cũng chỉ là một định nghĩa mang tính định tính mà thôi, và cũng chỉ giúp bạn có thể “thoải mái về tài chính” chứ vẫn chưa chạm tới ngưỡng “Độc lập tài chính”.
Chúng ta cần một định nghĩa, một khái niệm rõ ràng, chi tiết và đo lường được nếu bạn thật sự muốn đạt được trạng thái Độc lập tài chính, tiền bạc như chúng ta đang bàn tới.
Vậy Tuấn Đầu Tư định nghĩa thế nào là Độc lập tài chính?
Đây là định nghĩa mà Tuấn Đầu Tư tâm đắc:
“Những người đạt được sự độc lập về tài chính có thể sống hoàn toàn bằng thu nhập tạo ra từ các khoản đầu tư của họ”.

Nói 1 cách khoa học hơn thì đó là Khi thu nhập thụ động từ đầu tư của 1 cá nhân lớn hơn hoặc bằng chi phí hàng tháng của bản thân, thì đó là lúc cá nhân đó đã đạt trạng thái “Độc lập tài chính”!
Bạn đã từng nghe thấy định nghĩa đó trước đây chưa?
Với định nghĩa này chúng ta cần phân biệt được 2 thứ: Đó là thu nhập từ lương và thu nhập từ đầu tư là khác nhau.
Thu nhập từ Lương là đại diện cho thu nhập chủ động, là những nguồn thu nhập mà khi ta vẫn còn lao động thì còn có thu nhập, nhưng nếu không may mắn rơi vào tình trạng mất sức lao động, hoặc mất việc làm thì nguồn thu nhập này không còn.
Còn với thu nhập từ đầu tư (hay còn gọi là thu nhập thụ động) là thu nhập mà chúng ta cần bỏ ra ít công sức và lao động nhưng vẫn đem lại cho chúng ta thu nhập hàng tháng hoặc hàng năm.
>> Tìm hiểu thêm: 6 khác nhau giữa thu nhập chủ động và thu nhập thụ động, bạn sẽ hiểu rõ ý mà tôi đang nói tới.
Lấy ví dụ về người A và người B để bạn dễ hình dung nhé:

Người A chưa lập gia đình và A có mức chi phí là 10 triệu/ tháng. Thu nhập từ lương của A là 20tr/ tháng, thu nhập từ các nguồn đầu tư của A là 5tr/ tháng. Tổng thu nhập của người A là 25tr/ tháng.
Người B có cùng mức chi phí 10 triệu/ tháng, thu nhập từ lương người B thấp hơn người A chỉ ở mức 15 triệu/ tháng, thu nhập từ đầu tư của người này là 10 triệu/ tháng.

Như vậy: Tổng chi phí hàng tháng của cả 2 người đều là 10.000.000đ, tổng thu nhập của người B cũng giống như người A là 25.000.000đ/ tháng. Tuy nhiên sức khỏe và đẳng cấp tài chính của người A và người B là hoàn toàn khác nhau!
Chiếu theo định nghĩa của độc lập tài chính: “Khi thu nhập thụ động từ đầu tư của 1 cá nhân lớn hơn hoặc bằng chi phí hàng tháng của cá nhân đó” thì chỉ có người B được gọi là độc lập tài chính, vì thu nhập từ đầu tư của người B là 10tr/ tháng nghĩa là lớn hơn hoặc bằng chi phí hàng tháng của B cũng là 10tr.
Còn với người A mặc dù vẫn tổng thu nhập là 25tr nhưng chưa thể đạt được đến đẳng cấp độc lập tài chính vì thu nhập thụ động chỉ có 5tr 1 tháng, nghĩa là chưa đủ để duy trì cuộc sống nếu chẳng may bị mất sức lao động.
Chỉ số độc lập tài chính – Thước đo quan trọng đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân
Lấy thu nhập từ đầu tư chia cho tổng chi phí ta sẽ có được chỉ số độc lập tài chính. Và đây là 1 chỉ số quan trọng trong tổng thể bức tranh sức khỏe tài chính của mỗi cá nhân.
Bản thân Tuấn Đầu Tư sử dụng 9 chỉ số tài chính để theo dõi sức khỏe tài chính cá nhân của mình và sẽ chia sẻ với các bạn trong những chủ đề tiếp theo, vì vậy hãy Follow Tuấn Đầu Tư để nhận thêm những bài học trong tương lai nhé!
Như vậy với chia sẻ ngày hôm nay thì Tuấn Đầu Tư đã làm rõ cho bạn ba nội dung:
- Những định nghĩa chưa đúng về Độc lập tài chính
- Cung cấp định nghĩa đúng và chi tiết về “Thế nào là độc lập tài chính”
- Cung cấp ví dụ để bạn bắt đầu tiếp cận khái niệm mới “Chỉ số độc lập tài chính”
Và từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta hãy làm quen với việc nói về các con số, về các công việc cần làm để nâng cao năng lực quản lý tài chính một cách cụ thể và có thể đo lường được nhé.
Còn bây giờ, xin chào tạm biệt và chúc bạn sẽ đạt được Độc lập tài chính vào một ngày không xa!
Hẹn gặp lại với các chủ đề tiếp theo sau một vài ngày nữa!
>> Tải về Bảng tính chỉ số độc lập tài chính được chia sẻ miễn phí trong Chuyên mục Tài nguyên!
Bản quyền thuộc về Tuấn Đầu Tư – tuandautu.com
Vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép nội dung này.
Bạn có suy nghĩ gì sau khi đọc xong bài viết này? Hãy cho Tuấn Đầu Tư và bạn đọc được biết nhé!