Suy thoái kinh tế đề cập đến trạng thái nền kinh tế bị suy giảm trong hai quý liên tiếp trở nên. Nền kinh tế bị suy thoái biểu hiện thông qua các chỉ số: GDP thực, việc làm, sản xuất… (Xem thêm định nghĩa suy thoái trên Wikipedia)
Khi suy thoái kinh tế xảy ra, không ai có thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới cuộc sống, đặc biệt tác động tới tình hình tài chính của mỗi người.
Những biểu hiện của suy thoái kinh tế:
- Không/hầu như không có hoạt động đầu tư
- Giảm chi tiêu
- Trên thị trường lao động, giảm làm thêm giờ, trong khi tăng số lượng việc làm bán thời gian
- Thị trường chứng khoán giảm điểm
- Thị trường bất động sản đóng băng
- Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng, cũng như thiếu cơ hội việc làm trên thị trường
- Ít được tăng lương hơn
- …
Bài viết này Tuấn Đầu Tư sẽ mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản về suy thoái đồng thời giúp bạn biết bản thân cần chuẩn bị gì để ứng phó với chúng.
Sự khác biệt giữa suy thoái và đại suy thoái?
Suy thoái có thể ví như một “căn bệnh cảm lạnh” với nền kinh tế, suy thoái có thể nhẹ vào ban đầu rồi sau đó dần trầm trọng hơn. Nếu một Quốc gia kịp thời có biện pháp hợp lý thì Quốc gia có thể vượt qua chỉ sau thời gian ngắn vài tháng.
Đại suy thoái thì khủng khiếp hơn suy thoái rất nhiều. Một minh chứng thực tế mà toàn nhân loại đã đối mặt là cuộc Đại suy thoái kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929.
Thời kỳ đó được đánh dấu bởi tình trạng mất việc làm, nghèo đói và tuyệt vọng. Từ đó, các chuyên gia nhận định cuộc Đại suy thoái như một “chứng trầm cảm kéo dài” khoảng 10 năm với nền kinh tế trong khi cuộc suy thoái khủng hoảng tài chính 2008 chỉ kéo dài 18 tháng.
Bởi lẽ Tuấn Đầu Tư lấy tình trạng sức khỏe làm minh họa cho suy thoái và đại suy thoái vì thời gian kéo dài và mức độ nguy hiểm của chúng khác nhau. Nếu cảm lạnh chỉ là căn bệnh đơn giản rồi sẽ khỏi thì trầm cảm lại là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Nguyên nhân nào gây ra suy thoái?
Chúng ta đều biết, nền kinh tế của chúng ta được tạo thành từ việc người dân, doanh nghiệp và chính phủ chi tiền. Bất cứ khi nào một trong những nhóm này chi tiêu một thứ gì đó thì số tiền đó sẽ đi vào túi người khác để sản xuất, bán, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, trong đó gồm các công ty, doanh nghiệp, ngân sách tư nhân và ngân sách công.
Chuyển động này được coi là chuyển động vòng tròn của tiền và số tiền có sẵn để chi tiêu là nền tảng của cách thức hoạt động của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế lâm vào suy thoái thì nguyên nhân trực tiếp sẽ xuất phát từ một trong bốn nhân tố chủ chốt dưới đây.
a. Tâm lý tiêu cực của Người tiêu dùng
Khi bạn cảm thấy tự tin về tài chính của bản thân trong tương lai thì bạn có thể sẵn sàng chi tiêu cho những món đồ đắt tiền như những đôi giày thể thao, hay chiếc Iphone mới ra. Đó chính là tâm lý hay niềm tin của người tiêu dùng.
Nhưng với tâm lý lo lắng về sự biến động của nền kinh tế sau khi nhận thức được khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, công việc và thu nhập bị ảnh hưởng do suy thoái thì sự tiêu cực của người tiêu dùng bắt đầu xuất hiện: họ có xu hướng cắt giảm nhiều nhất có thể các khoản chi tiêu.
Ước tính trung bình khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng. Vậy nên sự cắt giảm chi tiêu khiến sức mua trên thị trường yếu đi, sự tăng trưởng GDP chậm lại dẫn đến làm giảm tốc độ phát triển kinh tế.
Nếu người tiêu dùng luôn giữ trạng thái tiêu cực và liên tục cắt giảm chi tiêu thì nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế có thế dự đoán được.
b. Lãi suất tăng
Lãi suất là động lực chính của các điều kiện tài chính chung.
Khi kinh tế có dấu hiệu chậm phát triển, các tổ chức tài chính, ngân hàng có xu hướng hạ thấp lãi suất và tiêu chuẩn cho vay để bơm tiền ra thị trường. Khi lãi suất thấp hơn, người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng vay nhiều tiền hơn để phát triển kinh doanh và mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Nhưng khi nền kinh tế đi lên trở lại và dần phục hồi, chính những tổ chức đó sẽ tăng lãi suất và thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, khiến tiền trở nên “đắt hơn”.
Việc giảm lượng tiền sẵn có và chi phí cao hơn cho các khoản nợ hiện có sẽ làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tất nhiên, khi chi tiêu chậm lại thì nền kinh tế cũng chậm lại.
Đây chính xác là những gì đã đang diễn ra khi thế giới phải vật lộn với lạm phát cao do đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 và tình hình chiến sự Nga – Ukraine từ tháng 2/2022.
Về bản chất, không phải lúc nào lãi suất tăng cũng dẫn đến suy thoái, nhưng chúng có tác động lớn đến người tiêu dùng, nhà đầu tư và nền kinh tế. Và lâu dần “tích tiểu thành đại” sẽ gián tiếp gây ra suy thoái.
c. Cú nổ bong bóng tài sản
Bong bóng tài sản xảy ra khi giá thị trường của các loại đầu tư khác nhau tăng lên quá cao và quá nhanh. Giá trị hàng hóa trong thị trường đạt ngưỡng cao một cách vô lý và không bền vững, thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.
Những bong bóng này có xu hướng xảy ra do sự đan xen giữa tâm lý nhà đầu tư, lãi suất thấp và mất cân đối cung cầu tạm thời. Khi bong bóng kinh tế bị vỡ thì thị trường cũng sẽ sụp đổ.
Lịch sử kinh tế đã có rất nhiều trường hợp sau giai đoạn bong bóng tài sản thì xuất hiện sau đó là suy thoái kinh tế. Điển hình sự sụp đổ của thị trường nhà đất và các tài chính gắn liền với nó năm 2018 đã đẩy Mỹ vào một trong những cuộc suy thoái sâu nhất được ghi nhận.
Bong bóng tài sản xuất hiện do nhiều yếu tố thúc đẩy và khi chúng xảy ra, sự lạc quan của người tiêu dùng và nhà đầu tư có xu hướng cạn kiệt dẫn đến giảm chi tiêu trong tiêu dùng và kinh doanh, cũng như mất việc làm.
Cơn sốt bất động sản vừa qua tại Việt Nam cũng nằm trong giai đoạn bong bóng tài sản này.
Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại thì không thể tránh khỏi suy thoái kinh tế.
d. Giảm phát
Trái ngược với lạm phát, giảm phát là tình trạng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường liên tục giảm.
Trong khi lạm phát có thể dẫn đến suy thoái thì giảm phát cũng có thể làm điều tương tự.
Giảm phát xảy ra đồng nghĩa với giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm xuống, khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng với dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn.
Điều này dẫn đến lạm phát âm.
Giảm phát gây ra một vòng lặp tiêu cực khi cả người tiêu dùng và doanh nghiệp dừng chi tiêu. Từ đó, không tránh khỏi việc giảm lương, mất việc làm và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Một nền kinh tế yếu kém sẽ làm dấy lên nỗi lo giảm phát, người tiêu dùng lại tiếp tục hạn chế chi tiêu với suy nghĩ giá có thể giảm tiếp. Do vậy, vòng xoáy kinh tế đi xuống và trì trệ hơn nữa.
>> Đọc thêm: 5 bước để lập ngân sách chi tiêu hiệu quả
Làm thế nào để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái?
Mặc dù thực tế không thể dự đoán chính xác khi nào chúng ta rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng có một số điều bạn có thể làm để chuẩn bị nếu nó xảy ra.
a. Trang bị thêm kiến thức để không quá hoảng sợ
Bạn càng biết nhiều về suy thoái là gì, chúng hoạt động như thế nào và kéo dài bao lâu, bạn càng được trang bị tâm lý tốt hơn để đối phó với chúng.
Trên thực tế, hầu hết các cuộc suy thoái xảy ra kể từ năm 1945 dẫn đến mức GDP giảm 0.3% đến 3,7%, và quan trọng hơn cả: Suy thoái là 1 trong 4 giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
Một chu kỳ kinh tế chia thành bốn giai đoạn:
- Phục hồi
- Hưng thịnh
- Suy thoái
- Khủng hoảng
Vì thế cho nên, nếu bạn đang đối diện với suy thoái, hãy nhớ rằng sẽ còn có giai đoạn Khủng hoảng, sau đó sẽ Phục hồi…
Hiểu được điều đó, bạn sẽ không còn quá sợ hãi khi đối diện với suy thoái kinh tế nữa.
Có rất nhiều thứ bạn có thể kiểm soát trong tình huống này nên đừng quá hoang mang lo lắng, điều tốt nhất cần làm trước tiên là tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát.
Và đồng thời nhắc nhở bản thân rằng khoảng thời gian khó khăn này rồi cũng sẽ trôi qua.
b. Tiết kiệm hơn
Vì suy thoái thường đi kèm với những rủi ro về giảm lương, thậm chí thất nghiệp, mất việc làm nên bạn hãy bắt đầu xây dựng và tích lũy thêm cho quỹ khẩn cấp của mình nhiều nhất có thể đề phòng trường hợp công việc của bạn gặp khó khăn.
Khi nền kinh tế suy thoái, các công việc trong lĩnh vực kinh doanh không phải cốt lõi của công ty bị ảnh hưởng nặng nề.
Vậy nên các công việc liên quan đến bán hàng, tiếp thị, quản lý sản phẩm và tuyển dụng có thể bị cắt giảm để tiết kiệm một khoản chi phí đối phó với các vấn đề quan trọng sau này.
Lời cảnh báo này gợi ý bạn nên xây dựng một quỹ khẩn cấp từ ba đến sáu tháng chi phí để đối phó với những biến cố bất ngờ.
Số tiền bạn tích lũy càng lớn có thể mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn về tài chính và giúp bạn có tâm lý vững mạnh để đối phó với suy thoái. Vì thế, giai đoạn này bạn cần ưu tiên tối đa cho việc tiết kiệm tiền và giữ tiền mặt nhiều nhất có thể.
c. Hãy hướng đến việc tìm kiếm công việc mới
Điều đáng lo nhất trong giai đoạn suy thoái là khi bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất và nguồn thu nhập đó chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lạm phát, suy thoái (giảm lương, mất việc làm…)
Trong thời kỳ suy thoái, thu nhập đó có thể bị bốc hơi, khiến bạn trắng tay bất kỳ lúc nào.
Với rất nhiều bất ổn trong giai đoạn suy thoái, bắt tay vào việc tìm kiếm các công việc bán thời gian để làm thêm đồng thời với công việc chính sẽ là một ý tưởng tuyệt vời để đa dạng nguồn thu nhập, từ đó sẵn sàng đối diện với suy thoái.
>> Bạn có thể đọc bài công thức Tam đoạn kim cương sẽ thấy gợi ý cho hành động này
Có rất nhiều cách để bạn bắt đầu, bạn chỉ cần suy nghĩ sáng tạo và mạnh dạn thử sức của bản thân.
d. Giảm nợ
Nợ quá nhiều trong giai đoạn suy thoái khiến bạn gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng. Khi gặp khó khăn tài chính, vay thêm tiền có thể giúp bạn thu hẹp khoản thiếu hụt tạm thời nhưng chúng hoàn toàn có thế giết chết bạn nếu bạn phải thanh toán khoản nợ với lãi suất cao.
Khi suy thoái xảy ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao và lãi suất vay tiền cũng tăng theo.
Cách tốt nhất để giảm thiểu những rủi ro này là hãy giữ cho khoản nợ chưa thanh toán của bạn ở mức thấp nhất có thể trong thời gian lý tưởng. Ưu tiên trả nợ khi bạn có thêm tiền mặt và tránh nợ thẻ tín dụng.
Tóm lại, cho dù suy thoái có đáng sợ đến mức nào thì cũng không thể tránh khỏi bởi nó là một phần của nền kinh tế, tuy nhiên hãy nhớ: chúng không kéo dài mãi mãi mà sẽ có thời điểm dừng lại.
Vậy nên, mỗi cá nhân hãy tập trung vào những điều mà mình có thể kiểm soát được là ưu tiên hàng đầu.
Điều tốt nhất cần làm là luôn đề phòng những dấu hiệu của suy thoái và đảm bảo rằng bạn luôn có sự chuẩn bị và đặt bản thân vào vị trí hoàn hảo nhất để vượt qua nó.
Trên đây là những chia sẻ của Tuấn Đầu Tư về những điều bạn cần làm để chuẩn bị đối phó với suy thoái. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể tự tin làm chủ kinh tế bản thân, sẵn sàng tâm lý vượt qua suy thoái kinh tế.
>> Đọc thêm: Tài chính cá nhân là gì? Quản lý tài chính cá nhân là làm những gì được thể hiện chi tiết trong bài viết đó!
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về lĩnh vực này bạn hãy nhanh tay comment dưới đây để được Tuấn Đầu Tư giải đáp nhé!
Bản quyền thuộc về Tuấn Đầu Tư – tuandautu.com
Vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép nội dung này.