Có nhiều người giỏi về việc kiếm tiền nhưng lại kém về khả năng quản lý tài chính, dẫn đến việc những gì không nên tiêu lại tiêu nhiều quá, những gì lẽ ra cần giữ thì lại trôi đi.
Trong Hệ tuần hoàn tài chính cá nhân để giúp cá nhân có sức khỏe về tài chính thì việc quản lý Thu – Chi hàng tháng là một trong 4 phần quan trọng nhất. Làm tốt bước này sẽ giúp bạn có cơ sở để nghĩ tới những mục tiêu tài chính lớn hơn trong tương lai.
Và để Quản lý Thu chi tốt, chúng ta cần những nguyên tắc để từ đó dễ áp dụng hơn.
Về quản lý thu chi, hay còn gọi là quản lý chi tiêu, có 2 phương pháp phổ biến được cả thế giới đón nhận: phương pháp 50/20/30 và phương pháp 6 chiếc lọ tài chính.
Bài học hôm nay, Tuấn Đầu Tư sẽ chia sẻ với bạn phương pháp 6 Chiếc lọ tài chính mà bản thân cũng đã áp dụng thành công trong những thời gian đầu tiên quản lý tài chính cá nhân.
Phương pháp này đã quá phổ biến trên internet và được chia sẻ rộng rãi nên chúng ta sẽ cùng nói về nó luôn nhé.
Ai tạo ra nguyên tắc 6 chiếc lọ tài chính?
Người nghiên cứu ra phương pháp quản lý tiền chỉ bằng 6 chiếc lọ không ai khác chính là Harv Eker, tác giả của những kiệt tác bán chạy trên toàn thế giới như “Bí mật tư duy triệu phú” và “Làm giàu nhanh”. Ông là người đồng hành cùng mọi người mở “cánh cửa thần kỳ” bước vào thế giới của người có tiền.
Lời khuyên của ông chính là hãy quản lý tiền từ những đồng tiền nhỏ nhất, nuôi dưỡng tư duy “tích tiểu thành đại”, khi biết trân quý những đồng bạc thì ắt hẳn bạn sẽ có rất rất nhiều tiền.
Theo Harv Eker, để trở thành tỷ phú thì chúng ta phải có thói quen, kỹ năng quản lý tài chính tốt. Bất kể ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để quản lý tài chính, không có người nào nghèo cả chỉ là họ chưa biết cách làm mình giàu thôi. Thậm chí là nếu bạn không có nhiều tiền để quản lý, nhưng chỉ với 50 nghìn đồng thì vẫn có thể làm mình giàu hơn bằng tuyệt chiêu này.
Phương pháp 6 chiếc lọ này rất nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới cả thế kỷ nay và nhiều người thành công đều đã coi nó như một bí quyết làm giàu. Với phương pháp này, chúng ta sẽ chia nhỏ số tiền của mình vào 6 quỹ tiền khác nhau với mỗi quỹ là một chức năng và mục đích khác nhau (được gọi là những chiếc lọ).
Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính – Tuyệt chiêu quản lý tiền thông minh
Phương pháp 6 chiếc lọ, thể hiện việc bạn chia tổng thu nhập hàng tháng ra làm 6 phần, với 6 chiếc lọ có ý nghĩa và mục đích khác nhau.
Mỗi chiếc lọ có chức năng khác nhau, tỷ lệ % biểu thị mức độ cần thiết dựa trên các phân tích tài chính phù hợp với tất cả mọi người. Để quản lý tiền bạc thành công và không phải lo nghĩ việc thiếu tiền thì hãy chia khoản tiền của bạn theo 6 phần như sau:
Lọ 1: Quỹ chi tiêu cần thiết (Necessity Account – 55%)
Quỹ trong lọ đầu tiên được hiểu đơn giản là chi phí chi trả cho nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt hàng tháng trong cuộc sống bao gồm: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, mua sắm, xăng xe, tiền học cho con, tiền sữa,… Bạn dành ra 55% thu nhập gia đình hàng tháng cho quỹ này và đây là quỹ chiếm tỷ trọng cao nhất trong 6 quỹ.
Dù mức sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên ai cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Nếu mức chi tiêu cho nhóm này của bạn đang vượt lên 70% thì bạn phải xử lý bằng cách cắt giảm chi phí cho những thứ không thực sự quan trọng để ổn định cuộc sống.
Lọ 2: Quỹ tự do/ tự chủ tài chính (Financial freedom account – 10%)
Quỹ này nhằm hướng đến khoản tài chính bạn có khi về già và không còn lao động. Và lúc đó bạn sẽ có thể tự chủ về mặt tài chính và sẽ không trở thành gánh nặng của bất kỳ ai.
Với khoản tiền trong Quỹ này, bạn sẽ hướng đến các hình thức tích lũy, đầu tư dài hạn: có thể là gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, góp vốn kinh doanh,…
Hãy nhớ: Đừng bao giờ tiêu tiền trong Quỹ này cho tới khi bạn thực sự cần lúc tuổi già.
>> Nếu bạn muốn được Tự do tài chính thực sự, hãy đọc thêm ở liên kết này.
Lọ 3: Quỹ giáo dục (Education account – 10%)
Qũy đầu tư cho giáo dục sẽ chiếm 10% trên tổng thu nhập của bạn. Bạn có thể sử dụng quỹ này để tham gia các khóa học ngắn hạn, mua sách, tạp chí để trau dồi kiến thức và hoàn thiện các kỹ năng, mở rộng tầm hiểu biết của bản thân trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng quỹ EDU để giao lưu với những người tri thức, học hỏi cách ứng xử, kinh nghiệm trong kinh doanh, từ đó có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn trong tương lai.
Lọ 4: Tiết kiệm dài hạn (Long-term saving for spending – 10%)
Đây là quỹ tiết kiệm để chi tiêu cho những việc trong tương lai, hướng tới tư duy “nhìn xa trông rộng” của một người thông minh như mua nhà, mua xe, cho con du học,… Số tiền trong quỹ này chiếm 10% trong tổng thu nhập mỗi tháng. Việc có quỹ tiết kiệm dài hạn sẽ tạo động lực cho bạn trong việc lao động và kiếm tiền bởi bạn đã có mục tiêu để hướng tới.
Chỉ 10% mỗi tháng. Tích tiểu thành đại. Số tiền bạn có trong tương lai sẽ rất bất ngờ đó.
Lọ 5: Quỹ hưởng thụ (Play account – 10%)
Mọi người ai cũng cần chăm chỉ làm việc nhưng không vì thế mà quên đi việc hưởng thụ, chăm sóc bản thân mình. Bạn có thể dũng quỹ này để tạo ra niềm vui cho bản thân, chăm sóc bản thân bằng việc đi spa, đi mua sắm, hay đơn giản chỉ là ăn uống hay du lịch cùng người thân và bạn bè. Quỹ PLAY sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn về mặt tinh thần, có động lực làm việc hơn.

Lọ 6: Quỹ từ thiện (Give account – 5%)
Bạn sẽ sử dụng quỹ GIVE để làm từ thiện giúp đỡ người khác hoặc làm những việc có ích cho xã hội. Bạn có thể tận hưởng cuộc sống có ý nghĩa hơn khi biết chia sẻ và giúp đỡ với những mảnh đời éo le hơn mình.
Một số lưu ý để áp dụng 6 chiếc lọ quản lý tài chính cá nhân thành công
Tuân thủ nguyên tắc khi áp dụng phương pháp 6 chiếc lọ
Điều quan trọng nhất là kỷ luật với bản thân, hãy chia số tiền bạn có hàng tháng vào 6 chiếc lọ hoặc 6 chiếc phong bì riêng, ghi tiêu đề khoản tiền đó lên và chỉ được phép tiêu số tiền có trong mỗi quỹ đó.
Không được dùng quá số tiền theo tỷ lệ đã quy định.
Tuyệt đối không động đến Quỹ tiết kiệm dài hạn và Quỹ tự do tài chính.
Chỉ có kỷ luật trong chi tiêu mới có thể giúp bạn trở nên thoải mái và giàu có về tài chính mà thôi.
Hình thành thói quen quản lý tài chính

Mọi người luôn phải có ý thức biến việc quản lý tài chính là thói quen, thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Điều đầu tiên bạn cần làm sau khi nhận được thu nhập trong tháng là chia nhỏ số tiền vào các lọ, liệt kê các việc cần làm theo thứ tự ưu tiên. Điều này sẽ giúp bạn duy trì được số tiền trong các lọ, không lo thâm hụt hay thất thoát tiền mà không rõ lý do.
Tạo ra nguồn thu nhập thụ động
Quỹ tiết kiệm dài hạn và Quỹ tự do tài chính cần được sinh lãi thông qua ngân hàng hoặc đầu tư thì mới có hiệu quả. Vì vậy, hãy tư duy vào việc bạn sử dụng khoản tiền tiết kiệm đó thế nào cho hiệu quả, bạn có thể đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản,…Tuy nhiên, là một người nhạy bén thì bạn cũng phải cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư an toàn, giảm thiểu rủi ro đồng thời chọn ra được kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhất.
>> Sự khác nhau giữa Thu nhập thụ động và thu nhập chủ động là gì?
Luôn chú trọng phát triển tư duy và kỹ năng
Đầu tư cho tư duy và trau dồi kỹ năng cho bản thân luôn là đầu tư có lợi nhất. Với bất cứ lĩnh vực nào, bạn có kiến thức và kỹ năng chuyên môn càng nhiều thì công việc của bạn càng suôn sẻ, thuận lợi. Và khi giá trị công việc của bạn tăng thì đồng nghĩa thu nhập của gia đình cũng được tăng theo. Từ đó bạn lại có nhiều tiền hơn để phân bổ vào 6 Quỹ. Hãy nhớ là luôn vận động và phát triển, đừng dừng lại!
Vì vậy, bạn có thể đọc sách, tham gia các khóa học thêm kiến thức đầu tư để mài dũa kỹ năng giúp ích cho việc tăng thêm thu nhập, nhanh chóng đạt được mục tiêu trong tương lai.
Lời kết:
Quy tắc Quản lý tài chính bằng 6 chiếc lọ không hề khó và vô cùng dễ áp dụng nếu bạn làm theo hướng dẫn trên.
Việc bạn có tự kỷ luật bản thân để thực hiện ngay bây giờ hay không sẽ quyết định tới tương lai và cả cuộc đời của bạn.
Trong quá trình áp dụng Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính này, nếu có khó khăn, bạn có thể liên hệ Tuấn Đầu Tư để được trợ giúp nhé!
Bản quyền thuộc về Tuấn Đầu Tư – tuandautu.com
Vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn sao chép nội dung này.